Nhận biết và tìm hiểu về tiềm năng của trẻ em khuyết tật

Tìm hiểu về mô hình mới trong chăm sóc thay thế và phát triển tiềm năng cho trẻ em khuyết tật ở Việt Nam

Sandra Bisin and Nguyễn Thị Thanh Hương
Realizing the potential of children with disabilities
UNICEF Viet Nam\Ehrin Macksey
03 Tháng 9 2013

Câu chuyện của bé Ngô Diệp Uyên

Bé Ngô Diệp Uyên, chín tuổi, đang rất thích thú tô màu một bức tranh. Mặc dù em vẫn chưa nhận biết được sự khác nhau giữa màu xanh lá cây, xanh dương và đỏ. Nhưng em đã có sự tiến bộ đáng kể so với trước khi em tham gia Trung tâm Chăm sóc ban ngày Hòa Vang cho trẻ khuyết tật tại Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.

Uyên bị chậm phát triển về mặt trí tuệ. Ba em bỏ nhà đi khi em còn rất nhỏ. Mẹ em phải đi vào thành phố để tìm một công việc tốt hơn và Uyên được chăm sóc bởi ông bà của mình. Vì thiếu các kỹ năng cần thiết để chăm sóc trẻ có nhu cầu đặc biệt, ông bà em không biết phải làm gì khi Uyên rất thụ động. Em không nói chuyện, thường ngồi một mình, không ra khỏi nhà và không có bạn bè. “Cháu cần sự khuyến khích và hỗ trợ, nhưng không may chúng tôi không thể làm điều đấy cho cháu”, ông của em cho biết.

Tình trạng trẻ em khuyết tật tại Việt Nam

Theo Chính phủ Việt Nam, có ít nhất 1,3 triệu trẻ em khuyết tật ở Việt Nam. Theo điều tra dân số năm 2009, chỉ có 66,5% trẻ em khuyết tật độ tuổi tiểu học đang đi học tại thời điểm điều tra, so với 96,8% tỷ lệ trung bình trên toàn quốc. Tỷ lệ biết chữ của người khuyết tật từ 15 đến 24 tuổi là 69,1%, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ này của người không khuyết tật (97,1%).

Một nghiên cứu năm 2004 cho thấy 54% trẻ em khuyết tật được báo cáo là không có bạn bè, và 29% có ít bạn bè.

"Trẻ em sống với sự khuyết tật về thể chất, cảm xúc, trí tuệ hoặc sức khỏe tâm thần là một trong những đối tượng cần được quan tâm nhất trong tất cả trẻ em trên thế giới. Việc tiếp cận khó khăn với các dịch vụ y tế, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã khiến các em có nguy cơ bị bạo lực, lạm dụng và bóc lột cao hơn”. Bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ Trẻ em của UNICEF Việt Nam cho biết.

Uyên đã tham gia Trung tâm Chăm sóc ban ngày Hòa Vang cho trẻ khuyết tật từ những ngày thành lập đầu tiên. Việc chờ chuyến xe buýt sáng để đến trung tâm đã trở thành hoạt động hằng ngày của em. Em rất thích đến trung tâm, nơi mà em có thể chơi đùa và kết bạn. Tại đây, em còn có thể học những thứ hữu ích chẳng hạn như cách ăn mặc, ăn uống và tự vệ sinh thân thể hoặc những thứ thú vị như vẽ tranh, hát và nhảy. Em đã thay đổi hoàn toàn chỉ sau vài tháng học tập tại trung tâm.

“Cháu bắt đầu nói chuyện mặc dù chỉ nói vài từ và vẫn còn nói ngọng nhưng cháu có thể giao tiếp được. Bây giờ thì lúc nào cháu cũng vui vẻ. Chúng tôi rất biết ơn vì điều này”, ông của em cho biết.

Bé Nguyễn Thị Tuyết Nhi 7 tuổi tại trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Hòa Vang
UNICEF Viet Nam\Sandra Bisis
Bé Nguyễn Thị Tuyết Nhi 7 tuổi tại trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Hòa Vang

Câu chuyện của bé Nguyễn Thị Tuyết Nhi

Cũng tại trung tâm này, em Nguyễn Thị Tuyết Nhi, bảy tuổi, đang ngồi vẽ tranh với bạn của mình. “Em đang vẽ mẹ của mình vì em rất yêu mẹ”, em nói. Nhi bị thiểu năng trí tuệ. Em đã tham gia trung tâm từ một năm về trước.

“Nhi đã tiến bộ rất nhiều trong thời gian ngắn”, cô Lê Thị Ngọc Thảo, cô giáo của em cho biết. “Trước khi đến trung tâm, em không thể tự ăn hoặc tự rửa tay. Em cũng rất nhút nhát. Bây giờ thì em có thể nói to trong lớp và giơ tay khi tôi gọi tên em. Em hát rất nhiều bài hát và rất vui khi được nhảy biểu diễn cùng với các bạn khác.”

Kết

Việc nhận biết tình trạng và dấu hiệu của các trẻ em bị khuyết tật để có thể tìm phương pháp phù hợp, nhằm khai phá tiềm năng, bảo vệ quyền lợi được học, được vui chơi,... như bao trẻ em khác là điều vô cùng quan trọng. Không chỉ thế, UNICEF còn mong muốn bất cứ người dân cũng có thể hỗ trợ để xây dựng một thế giới bình đẳng cho mọi trẻ em.