Những điều cha mẹ cần biết về vắc-xin phòng COVID-19

Trả lời những câu hỏi thường gặp nhất về việc phát triển và triển khai vắc-xin COVID-19 cho trẻ em tại Việt Nam.

UNICEF Việt Nam
Do parents know how Covid-19 vaccines for children are researched, developed and tested?
UNICEF Viet Nam\Truong Viet Hung
08 Tháng 4 2022

1. Quan điểm của WHO về tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em ở Việt Nam là gì?

WHO khuyến nghị các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc-xin liều cơ bản từ trung bình đến cao đối với các nhóm ưu tiên cao hơn như nhân viên y tế, người có bệnh lý nền và người cao tuổi có thể xem xét mở rộng đối tượng tiêm chủng sang các nhóm tiếp theo như thanh thiếu niên và trẻ em.

Việt Nam đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao ở các nhóm ưu tiên và trẻ vị thành niên. Ngoài ra, việc bao phủ liều nhắc lại đang tiến hành rất tốt. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam cân nhắc việc tiêm phòng vắc-xin cho trẻ em, kể cả trẻ từ 5 đến 11 tuổi. 

WHO cũng kêu gọi Việt Nam tiếp tục nỗ lực tuyệt vời như đã và đang thực hiện trong việc tiêm chủng cho các nhóm dân số chưa được tiếp cận và những người ở vùng sâu, vùng xa.

2. Vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em được nghiên cứu và sản xuất thế nào?

Tất cả vắc-xin đều trải qua các quá trình thử nghiệm, đánh giá rộng rãi và nghiêm ngặt về hiệu quả, chất lượng và độ an toàn, thông qua nhiều bước đánh giá, bao gồm đánh giá tiền lâm sàng và ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. 

Các cơ quan quản lý quốc gia xem xét thông tin do nhà sản xuất cung cấp về vắc-xin để quyết định có cho phép sử dụng vắc-xin hay không. 

Vì nhóm người cao tuổi và người trưởng thành có các bệnh lý nền là nhóm nguy cơ cao đối với COVID-19 nên các vắc-xin được nghiên cứu và thử nghiệm cho người trưởng thành trước tiên. 

Sau khi có được dữ liệu về hiệu quả tốt và an toàn trên thực tế từ các nhóm này, các nhà phát triển vắc-xin dần dần mở rộng đối tượng mục tiêu tới nhóm nhỏ tuổi hơn. Cũng thông qua các quy trình từng bước này, các nhà sản xuất đã tạo ra dữ liệu từ nhóm dân số nhỏ tuổi hơn. Các cơ quan quản lý quốc gia sau đó đã xem xét dữ liệu mới và cập nhật việc cấp phép sử dụng vắc-xin cho trẻ em.

3. Vắc-xin phòng COVID-19 có an toàn và cần thiết cho trẻ em không?

Tiêm phòng cho trẻ em có thể giúp giảm sự lây lan của vi rút, đặc biệt là ở những trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Hầu hết trẻ em ít có nguy cơ mắc bệnh nặng và việc tiêm chủng cho trẻ chủ yếu là để giảm sự lây nhiễm.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo rằng trẻ em từ 5 tuổi trở lên và có các bệnh nền có nguy cơ cao bị bệnh nặng khi mắc COVID-19 nên được tiêm chủng cùng với các nhóm nguy cơ cao khác.

4. Liệu có phải trẻ em không có nguy cơ mắc COVID-19?

Trẻ em và thanh thiếu niên có xu hướng mắc bệnh COVID-19 nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên, có những nguy cơ khác chúng ta cần theo dõi khi trẻ nhiễm COVID-19, chẳng hạn như hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Tình trạng viêm hiếm gặp nhưng nghiêm trọng có thể xuất hiện vài tuần sau khi trẻ khỏi bệnh COVID-19.

5. Vắc-xin phòng COVID-19 được vận chuyển và bảo quản an toàn như thế nào?

Vắc-xin phòng Covid-19 được vận chuyển theo một chuỗi bảo quản lạnh tuyệt đối. Mỗi khâu trong việc vận chuyển bao gồm máy bay, xe tải, tủ lạnh, thùng giữ lạnh, giúp vắc-xin luôn được bảo quản trong tình trạng tốt nhất.

6. Vắc-xin phòng COVID-19 hoạt động như thế nào?

Vắc-xin hoạt động bằng cách bắt chước tác nhân truyền nhiễm - vi rút, vi khuẩn hoặc vi sinh vật khác có thể gây bệnh, "dạy" hệ thống miễn dịch của chúng ta phản ứng nhanh chóng và hiệu quả để chống lại bệnh.

Theo truyền thống, vắc-xin thực hiện điều này bằng cách đưa vào cơ thể một dạng tác nhân lây nhiễm đã làm suy yếu, cho phép hệ thống miễn dịch của chúng ta ghi nhớ nó. Bằng cách này, hệ miễn dịch của chúng ta có thể nhanh chóng nhận ra và chống lại nó trước khi nó khiến chúng ta mắc bệnh. Đó là cách một số vắc-xin phòng COVID-19 đã được nghiên cứu và sản xuất.

Các vắc-xin phòng COVID-19 khác đã áp dụng các phương pháp tiếp cận mới, được gọi là vắc-xin RNA thông tin, hay mRNA. Thay vì đưa vào cơ thể các kháng nguyên (một chất khiến hệ thống miễn dịch con người tạo ra kháng thể), vắc-xin mRNA cung cấp cho cơ thể chúng ta mã di truyền cần thiết, cho phép hệ thống miễn dịch của chúng ta tự sản sinh ra kháng nguyên. Công nghệ vắc-xin mRNA đã được nghiên cứu trong vài thập kỷ. Nó không chứa vi rút sống và không can thiệp vào ADN của con người.

Để biết thêm thông tin về cách hoạt động của vắc-xin, vui lòng truy cập WHO

 

7. Làm thế nào mà vắc-xin COVID-19 được sản xuất nhanh chóng như vậy?

Các nhà khoa học đã có thể sản xuất vắc-xin hiệu quả an toàn trong một khoảng thời gian tương đối ngắn do sự kết hợp của các yếu tố cho phép họ mở rộng quy mô nghiên cứu và sản xuất mà không ảnh hưởng đến độ an toàn:

Vì đại dịch lan rộng toàn cầu, nên chúng ta có mẫu bệnh phẩm khá lớn để nghiên cứu và có hàng chục nghìn tình nguyện viên tham gia  thử nghiệm lâm sàng

Những tiến bộ trong công nghệ (như vắc-xin mRNA) đã được nhiều năm chế tạo

Chính phủ và các cơ quan khác đã hợp tác để tháo gỡ trở ngại về tài trợ cho nghiên cứu và phát triển

Việc sản xuất vắc-xin diễn ra song song với các thử nghiệm lâm sàng để tăng tốc độ sản xuất

Mặc dù được phát triển nhanh chóng, nhưng tất cả các vắc-xin COVID-19 được WHO chấp thuận sử dụng đều an toàn và hiệu quả.

8. Có phải vắc xin phòng COVID-19 gây ra bệnh viêm gan ở trẻ em không?

Trước khi được triển khai tiêm rộng rãi, vắc xin phòng COVID-19 đã vượt qua các bài kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. 

Thông tin vắc xin phòng COVID-19 gây ra bệnh viêm gan ở trẻ em là KHÔNG ĐÚNG. Dựa trên bằng chứng hiện nay, không có mối liên hệ nào giữa vắc xin phòng COVID-19 và bệnh viêm gan ở trẻ. 

Đa số những trẻ bị bệnh chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19. 

Vắc xin phòng COVID-19 an toàn cho trẻ và có vai trò quan trọng nhằm bảo vệ trẻ khỏi bệnh nặng và tử vong vì COVID-19.